Phóng thành công tên lửa Soyuz (Nga) từ Kourou

Ngày 21/10/2011 đã trở thành một mốc lịch sử trong cuộc chinh phục vũ trụ khi lần đầu tiên tên lửa Soyuz (do Nga chế tạo) được phóng thành công tại Kourou (Guyana thuộc Pháp). Chỉ mất chưa đầy 10 phút để tên lửa vượt qua tầng khí quyển Trái đất nhưng để đưa 2 vệ tinh đầu tiên trong chùm 30 vệ tinh định vị toàn cầu Galileo lên quỹ đạo quy định ở độ cao 23.200km phải mất hơn 3 giờ.

Soyuz là loại tên lửa do Nga chế tạo thuộc loại tin cậy nhất thế giới. Trong lịch sử, Soyuz đã được phòng thành công nhiều lần từ sân bay vũ trụ Baikonour (Kazakhstan) hay từ sân bay vũ, trụ Plesetsk (phiá bắc Nga), đã đưa hơn 1700 vệ tinh và 131 nhà du hành vũ trụ lên quỹ đạo. Phiên bản hiện nay của Soyuz là Soyuz 2 được cải tiến từ phiên bản đầu tiên của Soyuz. đã được dùng để phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên Spoutnik vào năm 1957.

kourou2

Arianespace/Starsem- một công ty liên doanh Nga-Pháp đã thương mại hóa Soyuz 2 với tầng chóp chứa vệ tinh có tên là Fregat. Phiên bản thương mại Soyuz/Fregat đã có tỉ lệ thành công 100% trong 19 lần phóng kể từ lần phóng đầu tiên vào đầu những năm 1990. Lần phóng thành công gần nhất của Soyuz /Fregat là tại Baikonour vào ngày 26/03/2009 – chuyến bay thứ 19 lên Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Lợi ích của việc phóng Soyuz từ Kourou?

Kourou nằm trên vĩ tuyến 5 độ trên xích đạo. Tại đây vận tốc quay của Trái đất là 1670 km/giờ trong khi tại Baikonour (vĩ tuyến 45 độ) vận tốc quay chỉ là 1.160 km/giờ. Vì vậy, nếu phóng tại Kourou vệ tinh hay tàu vũ trụ dễ thoát khỏi lực hút của trái đất hơn. Người ta đã tính với chủng loại Soyuz đưa trọng lượng 1,7 tấn lên quỹ đạo địa tĩnh nếu phóng từ Baikonour thì có thể đưa trọng lượng 2,8 tấn nếu phóng từ Kourou.

Soyuz được sản xuất tại Tổ hợp Vũ trụ Samara bên bờ sông Vôn ga được chở bằng tàu hỏa đến St. Petersburg sau đó vượt Đại tây dương bằng một tàu thủy đặc biệt. Đến cảng Pariacabo bên bờ sông Kourou (Guyana thuộc Pháp), Soyuz được chở bằng xe tải đến Trung tâm vũ trụ Guyana (Kourou). Hành trình trên dài 11.300 km được thực hiện trong 3 tuần.

Ý tưởng phóng Soyuz từ Kourou được cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) chấp thuận từ năm 2003. Cơ quan này giao cho CNES (Paltháp) trực tiếp xây dựng sân phóng riêng cho Soyuz tại Kourou với hạ tầng kỹ thuật liên quan. CNES đã mất 6 năm để hoàn thành nhiệm vụ trên với chi phí khoảng 500 triệu euro, sử dụng 600 công nhân Pháp và Nga, tiêu thụ 35.000 m3 bê tông Một trong các hạng mục quan trọng là phải khoan một hầm dạng hình xoắn ốc sâu 28 m, rộng 146 m trên đá granit, để làm giảm dòng khí cháy bỏng khi tên lửa khởi động, tránh cú sốc âm học có thể làm hỏng các vệ tinh chứa trên khoang đầu tên lửa. Có thẻ nói, toàn bộ hạ tầng tại sân bay Baikonur, nơi đã phóng thành công Soyuz đã được lặp lại y nguyên tại Kourou.

Các trục trặc kỹ thuật trước khi phóng thành công vào ngày 21/10/11 ?

- Uỷ ban điều tra nguyên nhân tai nạn tàu vân tải vũ trụ Progress M- 12M, đã rơi xuống những cánh rừng của nước cộng hoà Altai thuộc Liên bang Nga ngày 24/8/11, đã xác định nguyên nhân tai nạn là do bộ phận động cơ của tầng thứ 3 tên lửa đẩy "Soyuz- U" hoạt động không bình thường. Ủy ban vũ trụ Nga được lệnh phải rà soát tất cả các tên lửa Soyuz đã được chế tạo kể cả các tên lửa đã bán cho Pháp để phóng tại Kourou. Tình hình trở lại bình thường sau khi Nga lần đầu phóng thành công Soyuz sau tai nạn ngày 24/8/11 đưa vệ tinh định vị Glonass của Nga lên quỹ đạo vào ngày 3/10/11. Hơn nữa, CNES khẳng định tầng ba của Soyuz sẽ phóng ở Kourou khác với tầng 3 của tên lửa Soyuz –U đã gây ra tai nạn ngày 24/8/11.

- Ngày 20/10/2011, tên lửa Soyuz đã vào vị trí phóng theo kế hoạch. Tuy nhiên, khi bơm nhiên liệu vào tầng 3 của tên lửa thì phát hiện tình trạng bất bình thường. Ngay lập tức, lệnh đếm ngược được hủy bỏ: tên lửa Soyuz và 2 quả vệ tinh Galileo đã lắp trên khoang chóp của tên lửa được đưa ngay về vị trí an toàn. Ngay sau đó đã xác định nguyên nhân trục trặc là do sự hỏng van điều khiển nằm ở phần mặt đất làm gián đoạn quá trình bơm nhiên liệu. Vì vậy việc phóng Soyuz tại Kourou đã phải hoãn đến 7:30 ngày hôm sau 21/10/2011.

Ý nghiã của việc phóng thành công Soyuz tại Kourou ?

- Đây là sự thành công của quá trình hợp tác 45 năm giữa Nga và Pháp nói rộng ra là giữa Nga và EU. Trước đây, tại Trung tâm vũ trụ Guyana (Kourou) chỉ có tên lửa Ariane nổi tiếng, đưa các vệ tinh nặng lên quỹ đạo địa tĩnh, nay có thêm tên lửa Soyuz tầm trung, và trong năm tới sẽ có thêm tên lửa loại nhẹ VEGA. Đặc biệt, Soyuz có khả năng đưa người lên Trạm Vũ trụ Quốc tế nên trong tương lai, Kourou có thể tham gia vào việc đưa người lên Trạm Vũ trụ quốc tế. Sau khi Mỹ dừng các tàu con thoi, nhất là sau khi Nga tạm thời dừng phóng các tên lửa Soyuz để điều tra, người ta đã nghĩ đến việc phải "bỏ hoang" Trạm Vũ trụ quốc tế.

- Việc đưa 2 vệ tinh Galileo lên quỹ đạo cao 23.200km thành công làm tăng lòng tin vào hệ định vị toàn cầu Galileo của châu Âu . Hệ này dự kiến hoàn tất vào năm 2020 với 27 quả vệ tinh hoạt động trong 3 mặt phẳng và 3 vệ tinh dự trữ. Chi phí cho hệ Galileo là 7,2 tỉ USD vượt xa dự toán ban đầu. Khi hoàn thành, hệ thống Galileo sẽ hơn hẳn hệ GPS của Mỹ và hệ Glonass của Nga hiện nay về độ chính xác và độ phủ trùm Trái đất.

- Việc phóng thành công Soyuz lần đầu từ Kourou đã mở ra khả năng công ty Arianespace lên kế hoạch cho 14 lần phóng Soyuz tiếp theo. Trước mắt lần phóng thứ hai của Soyuz từ Kourou được dự kiến vào tháng vào tháng 12/2011, trong đó vệ tinh viễn thám Pleiades 1 của Pháp (độ phân giải 1m) sẽ là vệ tinh chính; vệ tinh quan sát trái đất của Chi lê SSOT sẽ là vệ tinh phóng kèm. Nếu lần phóng thứ hai thành công, lần phóng thứ 3 của Soyuz từ Kourou sẽ được dự kiến vào đầu quý 2 năm 2013, trong đó vệ tinh Pleiades 2 của Pháp là vệ tinh chính, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 là vệ tinh phóng kèm (nếu vào lúc đó VNREDSat-1 đã sẵn sàng phóng). Năm 2008, vệ tinh thông tin liên lạc đầu tiên của Việt nam VINASAT-1 đã được phóng thành công bằng tên lửa Ariane 5 từ Kourou.