Công nghệ vũ trụ là một lĩnh vực công nghệ cao được hình thành nhờ tích hợp nhiều ngành công nghệ khác nhau nhằm tạo ra các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa, trạm mặt đất, v.v… để khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ phục vụ lợi ích của con người. Khoa học và công nghệ vũ trụ ngày nay đã được ứng dụng hết sức rộng rãi và có hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, … của hầu hết các quốc gia tiên tiến trên thế giới, kể cả ở nhiều nước đang phát triển.
Sớm nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ. Ngày 27/12/1979, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 454/CP thành lập “Ủy ban Nghiên cứu vũ trụ Việt Nam” và giao cho Ủy ban thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị nội dung khoa học cho “Chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam”. Từ 23 đến 31/07/1980, chuyến bay hỗn hợp Xô - Việt đã được thực hiện thành công. Phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam Phạm Tuân đã cùng bay với nhà du hành vũ trụ Nga V.V Gorơbatcô và thực hiện một số thí nghiệm khoa học trong vũ trụ.
Trong những năm qua, một số thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ (CNVT) đã được triển khai ứng dụng ở nước ta, đặc biệt trong các lĩnh vực thông tin liên lạc, khí tượng thủy văn, viễn thám, định vị nhờ vệ tinh, ... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, phạm vi và hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng CNVT ở nước ta còn hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và trong tương lai của đất nước.
Nhằm mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng CNVT, đưa CNVT phục vụ thiết thực và có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, từ giữa năm 2002 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”. Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 được xây dựng nhằm xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp nghiên cứu và ứng dụng CNVT của Việt Nam để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đến năm 2020.
Ngày 14/06/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 137/2006/QĐ/TTg phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Việt Nam, trong đó, giao Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Nghiên cứu các vấn đề cơ bản có chọn lọc liên quan đến khoa học và công nghệ vũ trụ.
2. Chủ trì việc nghiên cứu và phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ.
3. Chủ trì xây dựng, trình duyệt, tổ chức thực hiện chương trình khoa học công nghệ độc lập về công nghệ vũ trụ, dự án phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ vũ trụ.
4. Xây dựng Viện Công nghệ vũ trụ trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Để thực hiện nhiệm vụ được giao về “ Chủ trì xây dựng, trình duyệt, tổ chức thực hiện chương trình khoa học công nghệ độc lập về công nghệ vũ trụ”, Chủ tịch Viện KHCNVN đã thành lập “Ban xây dựng chương trình KHCN về Công nghệ vũ trụ” gồm đại diện của các Bộ, ngành có liên quan: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội vô tuyến điện tử Việt Nam và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Quyết định số 04/QĐ-KHCNVN ngày 24/01/2007).
Các nội dung (các hướng) nghiên cứu chính của trình KHCNVT:
- Nghiên cứu công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất,
- Nghiên cứu chế tạo thiết bị, trạm mặt đất,
- Nghiên cứu mở rộng và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNVT phục vụ phát triển KTXH, an ninh quốc phòng (xử lý và ứng dụng ảnh viễn thám; nghiên cứu lựa chọn và ứng dụng hệ thống định vị GPS, . . .)
- Các nghiên cứu cơ bản liên quan đến Công nghệ vũ trụ: các thuật toán nén và giải nén ảnh, mã hóa và giải mã; các thuật toán điều khiển; khí động học, động lực học và cơ học đối với vật thể bay; vật lý khí quyển; năng lượng (pin mặt trời, . . . ) trên vệ tinh; vật liệu vũ trụ; sinh - y học vũ trụ, v.v.
- Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về các vấn đề liên quan đến CNVT.