Hệ thống vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 là vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam, được phóng thành công vào quỹ đạo ngày 7/5/2013, với nhiệm vụ là chụp và cung cấp các ảnh quang học có độ phân giải cao một cách chủ động và kịp thời phục vụ nhu cầu giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, sự biến đổi khí hậu nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Để tổng kết thực tiễn hoạt động của hệ thống vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 trong một năm qua, làm cơ sở khoa học trong việc đánh giá hiệu quả quá trình khai thác và sử dụng vệ tinh, ngày 5/5/2014 Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp đồng tổ chức Hội thảo Đánh giá kết quả vận hành hệ thống vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 tại Đài Viễn thám Trung ương – Cục Viễn thám Quốc gia. Ông Nguyễn Thái Lai – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và GS. Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tham dự và chủ trì hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo là dịp để Bộ Tài nguyên & Môi trường và Viện HLKHCNVN kiểm điểm lại sự phối hợp hoạt động trong quản lý vận hành và khai thác vệ tinh VNREDSat-1 theo Quy chế phối hợp đã được hai bên ký kết ngày 1/8/2013 và đây cũng là dịp tốt để hai cơ quan nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp từ các đơn vị đang sử dụng ảnh của vệ tinh VNREDSat-1.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo và thảo luận về các vấn đề như: kết quả thu nhận, xử lý ảnh VNREDSat-1 và khai thác sử dụng ở trạm thu ảnh viễn thám Việt Nam; khai thác vệ tinh VNREDSat-1 phục vụ các yêu cầu đặc thù cao; kết quả hoạt động khoa học công nghệ liên quan đến khai thác sử dụng hệ thống vệ tinh viễn thám trong khuôn khổ Chương trình Khoa học công nghệ cấp Nhà nước về công nghệ vũ trụ; những cơ chế, chính sách văn bản liên quan đến việc khai thác sử dụng ảnh VNREDSat-1.
TS. Bùi Trọng Tuyên - Trưởng Ban Quản lý Dự án vệ tinh nhỏ, trình bày báo cáo tại hội thảo
Hội thảo cũng phân tích các đặc tính ưu, nhược điểm của loại ảnh VNREDSat-1 mà ta thu nhận được. Có thể dễ dàng nhận thấy những ưu điểm của ảnh VNREDSat-1 là: đã tạo thế chủ động cho các cơ quan chức năng có thêm một kênh thông tin khách quan, chủ động và tin cậy trong quản lý tài nguyên môi trường, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của quốc gia, góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam không chỉ trên đất liền, vùng biển mà cả trong không gian. Bên cạnh đó, ảnh vệ tinh VNREDSat-1 được sử dụng cho nhiều mục đích như đào tạo, huấn luyện, phục vụ các nhiệm vụ giám sát tài nguyên môi trường, an ninh quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phục vụ cho các Chương trình nghiên cứu khoa học – công nghệ vũ trụ cấp Nhà nước và hợp tác quốc tế trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, bằng vệ tinh viễn thám Việt Nam đang từng bước xây dựng được cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, phủ trùng được nhiều vùng lãnh thổ và lãnh hải của đất nước.
Tuy nhiên, ảnh VNREDSat-1 cũng có nhược điểm như độ phủ ảnh nhỏ do chiều rộng dải chụp chỉ có 17,5 km nên việc chụp ảnh phủ kín diện tích lớn là khó khăn, đồng thời làm tăng chi phí việc hậu xử lý ảnh và khống chế ảnh ngoại nghiệp. Ngoài ra, ảnh của VNREDSat-1 là ảnh quang học nên việc chụp ảnh phụ thuộc tương đối nhiều vào thời tiết.
Thông qua hội thảo, các nhà khoa học kiến nghị tiếp tục tăng cường các nghiên cứu khoa học các cấp về ảnh vệ tinh của Việt Nam và tạo ra các công cụ thuận tiện cho việc khai thác sử dụng ảnh; nâng cao khả năng xử lý ảnh, chất lượng ảnh để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người sử dụng; cần có chính sách khuyến khích việc ứng dụng ảnh viễn thám trong các dự án, đề tài sử dụng nguồn ngân sách. Chỉ sử dụng ảnh khác khi hệ thống viễn thám Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu về kỹ thuật và thời gian thi công; nhanh chóng xây dựng khung giá cho ảnh vệ tinh sao cho phù hợp với mọi đối tượng người dùng và thời gian chụp; cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về việc sử dụng ảnh vệ tinh tại các bộ, ngành, địa phương; cần tìm kiếm thêm các đối tác nước ngoài để có thể khai thác tín hiệu ảnh vệ tinh VNREDSat-1 ở quỹ đạo ngoài khu vực lãnh thổ Việt Nam; tiếp tục triển khai pha 2 của dự án VNREDSat-1 (vệ tinh VNREDSat-2) trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu và duy trì sự có mặt của vệ tinh Việt Nam trên quỹ đạo không gian liên tục.
Nguyễn Thái Lai – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường phát biểu tại hội thảo
Kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Thái Lai – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường đánh giá cao những thành tựu mà các cán bộ kỹ thuật của Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng như các nhà khoa học của Viện HLKHCNVN đã đạt được trong việc làm chủ và vận hành hệ thống vệ tinh viễn thám VNREDSat-1. Ông nhấn mạnh, để vận hành hệ thống an toàn và hiệu quả Bộ Tài nguyên & Môi trường và Viện HLKHCNVN đã có những hành động tích cực cả về ứng dụng kỹ thuật cũng như tạo lập hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp vận hành trong suốt thời gian qua. Ông hy vọng trong thời gian tới, Viện HLKHCNVN và Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc chỉ đạo vận hành và khai thác vệ tinh VNREDSat-1 một cách chủ động, đáp ứng đầy đủ và nhanh chóng các yêu cầu chụp ảnh của các bộ, ngành, địa phương ở Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau hội thảo
Theo: Vast.ac.vn