Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Công nghệ Vũ trụ (20/11/2006-20/11/2011), ngày 16/11/2011 tập thể cán bộ, viên chức Viện Công nghệ Vũ trụ đã tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ vũ trụ năm 2011".
Trong khuôn khổ hội thảo, các báo cáo viên đã lần lượt giới thiệu khái quát những sản phẩm và kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ mới nhất của Viện Công nghệ Vũ trụ.
Báo cáo "Dự đoán tư thế vệ tinh quan sát trái đất bằng phương pháp hợp nhất dữ liệu đa cảm biến" do TS. Bùi Trọng Tuyên trình bày;
Báo cáo "Bộ mô phỏng bán vật lý phân hệ xác định và điều khiển tư thế vệ tinh (ADCSS)" do KS. Nguyễn Tuấn Vinh trình bày;
Báo cáo "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GPS độ chính xác cao phục vụ quan trắc chuyển dịch nhà máy xi măng Cẩm Phả" do ThS. Tống Sĩ Sơn trình bày;
Báo cáo "Đo cao vệ tinh trong nghiên cứu cấu trúc địa chất biển Đông Việt Nam" do TS. Trần Tuấn Dũng trình bày;
Báo cáo "Sử dụng phân loại dựa trên đối tượng trong đánh giá biến động rừng tỉnh Sơn La và Hòa Bình" do TS. Vũ Anh Tuân trình bày;
Báo cáo "Ứng dụng công nghệ viễn thám góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu biển – đảo phục vụ công tác an ninh – quốc phòng" do PGS.TS Trương Thị Hòa Bình trình bày;
Báo cáo "Sử dụng ảnh viễn thám ước lượng sinh khối làm cơ sở cho việc tính toán lượng CO2 hấp thụ của thảm thực vật vườn quốc gia Yok Đôn Tây Nguyên Việt Nam sử dụng công nghệ viễn thám" do ThS. Nguyễn Viết Lương trình bày;
Các báo cáo viên trình bày tại Hội thảo
Thông qua phần trình bày của báo cáo viên, các đại biểu tham dự phần nào thấy được sự trưởng thành phát triển của ngành công nghệ vũ trụ nói chung và của Viện công nghệ vũ trụ, nói riêng. Các nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ vũ trụ của Việt Nam đã tiếp cận được với những phương pháp nghiên cứu tổng hợp cũng như công nghệ tiên tiến trên thế giới như phương pháp hợp nhất dữ liệu đa cảm biến, hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh... Phương pháp hợp nhất dữ liệu đa cảm biến nhằm tập trung cung cấp các thông tin về tư thế tin cậy và chính xác cho quá trình điều khiển vệ tinh quan sát trái đất, từ đó tối ưu hóa hoạt động và nâng cao chất lượng của ảnh chụp từ vệ tinh. Trong khi đó, với sự hỗ trợ của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh, các vệ tinh có khả năng thực hiện các chuyển động phức tạp và độ chính xác điều khiển hướng cao.
Đồng thời các đại biểu cũng thấy được tầm quan trọng cũng như những đóng góp không nhỏ của ngành công nghệ vũ trụ đối với việc quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Các nhà khoa học viện Công nghệ Vũ trụ đã và đang triển khai việc ứng dụng công nghệ viễn thám xây dựng cơ sở dữ liệu biển đảo ở những khu vực khó hoặc không thể tiếp cận trực tiếp được; nghiên cứu công nghệ GPS độ chính xác cao phục vụ quan trắc chuyển dịch công trình đối với các khu vực có địa hình phức tạp và nguy cơ chuyển dịch cao; và ứng dụng đo cao vệ tinh trong nghiên cứu cấu trúc địa chất và thăm dò khoáng sản biển, lấp những khoảng trống số liệu mà khảo sát bằng tàu trên biển chưa thực hiện được, đặc biệt đối với những khu vực nước sâu...
Các báo cáo viên trình bày tại Hội thảo
Tin: Bích Diệp
Ảnh: Đức Anh - Bích Diệp