Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp cảnh báo sớm tai biến sụt đất, trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá miền Bắc Việt Nam bằng công nghệ viễn thám và dữ liệu về cấu trúc địa chất.

Mã đề tài  VT.UD-05/18-20
Hướng nghiên cứu  Ứng dụng công nghệ vũ trụ
Chủ nhiệm đề tài  TS. Trần Quốc Cường
Cơ quan chủ trì  Viện Địa chất, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam
Thời gian  2018-2021
Mục tiêu đề tài - Nghiên cứu các phương pháp và đề xuất giải pháp cảnh báo sớm tai biến sụt đất, trượt đất, lũ quét - lũ bùn đá bằng công nghệ viễn thám đa tầng, đa độ phân giải, đa thời gian và dữ liệu về cấu trúc địa chất.
- Đánh giá, kiểm chứng các phương pháp nói trên tại một số khu vực thường xảy ra tai biến như Bắc Kạn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang.
Kết quả đạt được

1. Khái niệm sử dụng trong đề tài và đối tượng nghiên cứu
Trượt - lở được hiểu ở đây là các “quá trình sườn trọng lực” bao gồm các quá trình chuyển động của các khối đất, đá về phía chân sườn dốc dưới tác động của trọng lực, theo một hoặc nhiều mặt yếu đã tồn tại sẵn trong khối đất đá (Природные опасности России, 2002).
Tại Việt Nam, lũ quét-lũ bùn đá cho đến nay vẫn chưa được hiểu một cách thống nhất. Đối tượng nghiên cứu về lũ quét – lũ bùn đá trong đề tài là lũ quét-lũ bùn đá sinh ra do phá vỡ đập chắn tạm thời tạo nên bởi trượt – lở; là hậu quả xảy ra do mưa và trượt lở. Trượt lở có thể là trượt lở khối lớn hoặc trượt lở hàng loạt tạo ra một khối lượng lớn vật liệu và tạo đập chắn tại các vị trí nghẽn dòng của dòng chảy.
Sụt đất trong đề tài được hiểu là hiện tượng sụt lún đất đá với tốc độ lớn trên bề mặt khi đất bên dưới bị làm rỗng dần dần đến mức không còn đủ liên kết để đỡ các khối đất đá bên trên. Quá trình moi chuyển những hạt nhỏ ra khỏi đất đá, ra khỏi chất nhét ở khe nứt và hốc caxtơ là một dạng của quá trình rửa xói ngầm đất đá, tạo ra các hố sụt. Đất đá bị moi đi và vận chuyển tới các hang Karst ngầm hoặc không gian ngầm.
2. Phương pháp và quy trình công nghệ phát hiện, quan trắc và cảnh báo sớm tai biến trượt lở, lũ quét-lũ bùn đá, sụt đất
Phương pháp viễn thám đề xuất trong đề tài gồm phương pháp ra-đa giao thoa vệ tinh (InSAR); phương pháp ra-đa giao thoa từ trạm mặt đất (TInSAR); phương pháp xử lý, phân tích dữ liệu bay chụp UAV; phương pháp quét laze 3D (TLS) phục vụ xác định dịch chuyển vật thể trên sườn khối trượt. Lần đầu tiên tại Việt Nam, đã triển khai, ứng dụng công nghệ TInSAR trong nghiên cứu trượt lở.
Nhóm phương pháp truyền thống gồm có phương pháp tổng hợp, phân tích các tài liệu; phương pháp nghiên cứu, đo vẽ tại thực địa; phương pháp địa mạo, địa chất, kiến tạo; các phương pháp nghiên cứu ĐCTV-ĐCCT, phương pháp Địa vật lý.
Quy trình nghiên cứu, phát hiện, cảnh báo sớm trượt lở, lũ quét – lũ bùn đá sử dụng công nghệ viễn thám và thông tin khác
Quy trình nghiên cứu, phát hiện, cảnh báo sớm trượt lở, lũ quét – lũ bùn đá sử dụng công nghệ viễn thám và thông tin khác được thể hiện ở hình 1. Cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở đất được chia thành các mức: Vùng có khả năng xảy ra trượt lở thấp, Vùng có khả năng xảy ra trượt lở trung bình và Vùng có khả năng xảy ra trượt lở cao. Các phương pháp viễn thám thực hiện trong đề tài thích hợp cho xác định, theo dõi và phục vụ cảnh báo sớm các khối trượt có tốc độ sườn khối trượt dịch trượt rất chậm (nhỏ hơn 16mm/năm) và chậm (từ 16mm/năm tới 1,6m/năm), phân loại tốc độ trượt theo [Cruden and Varnes, 1996]). Do cơ sở dữ liệu ra-đa vệ tin (SAR) của đề tài mới chỉ dùng với một quỹ đạo chụp nên kết quả mới chỉ xác định được tốc độ biến dạng địa hình sườn khối trượt theo phương thẳng đứng bằng kỹ thuật viễn thám ra-đa mà chưa thể xác định hướng và tốc độ dịch chuyển (dịch chuyển theo 3 chiều) của bề mặt địa hình khối trượt. Nhược điểm này sẽ được khắc phục khi dữ liệu ra-đa vệ tinh có cả quỹ đạo chụp đi lên (ascending) và đi xuống (desending); đối với kỹ thuật TInSAR là dùng hai thiết bị TInSAR ở hai vị trí khác nhau phù hợp, quan trắc cùng một khối trượt.
Một điều cần lưu ý là các khối trượt dịch chuyển vuông góc với phương tầm xiên của tia ra-đa (LOS) thì phương pháp ra-đa giao thoa sẽ không thể phát hiện được. Hạn chế này cũng tương tự với phương pháp TInSAR.
Đối với vùng đồi núi, có độ phân cắt mạnh, sẽ tồn tại nhiều bóng đổ (shadow), khi đó các vùng nằm trong bóng đổ sẽ không có thông tin. Hiện tượng co ngắn địa hình trên tư liệu viễn thám ra-đa vệ tinh khu vực đồi núi cũng là một khó khăn trong quá trình xử lý, phân tích kết quả ra-da giao thoa.

Hình 1
Hình 1: Sơ đồ quy trình nghiên cứu, phát hiện, cảnh báo sớm trượt lở, lũ quét – lũ bùn đá sử dụng công nghệ viễn thám và thông tin khác

Quy trình nghiên cứu, phát hiện, cảnh báo sớm sụt đất sử dụng công nghệ viễn thám và thông tin khác
Quy trình nghiên cứu, phát hiện, cảnh báo sớm sụt đất sử dụng công nghệ viễn thám và thông tin khác (hình 2), các mức cảnh báo được nêu ở bảng 1. Các bước xử lý viễn thám và xử lý với các phương pháp ở sơ đồ hình 2, có thể tiến hành song song với nhau. Kỹ thuật ra-đa giao thoa được áp dụng ở “khung viễn thám” tại hình 2-3 nhằm phát hiện các dị thường biến dạng bề mặt đất. Kết quả của kỹ thuật này là tập dữ liệu giá trị vận tốc biến dạng bề mặt đất được phân nhóm với phương pháp DBSCAN (Density-Based Spatial Clustering) nhằm thuận lợi hơn cho phát hiện các khu vực dị thường.
Một điểm cần lưu ý là không phải vị trí bất thường nào tính được từ công nghệ ra-đa giao thoa cũng sẽ liên quan tới sụt đất. Do vậy, nhất thiết phải có sự so sánh, kiểm tra với kết quả từ các phương pháp truyền thống. Có thể sử dụng phương pháp địa vật lý kiểm tra ở những ở những vùng trọng điểm, kết hợp với phân tích chi tiết đặc điểm biến đổi giá trị PS theo từng ngày chụp của ảnh vệ tinh. Khâu này đòi hỏi có kiến thức nhất định về địa chất, viễn thám của người xử lý.
Giới hạn của đề tài là chưa thể tiến hành phân tích tự động ở khâu này (hoặc phân tích tự động một phần) mà vẫn cần có kiến thức chuyên gia trong công tác đối sánh, phân tích.

Hình 2
Hình 2: Sơ đồ quy trình nghiên cứu, phát hiện, cảnh báo sớm sụt đất sử dụng công nghệ viễn thám và thông tin khác

Bảng 1: Cảnh báo nguy cơ sụt đất

TT

Cảnh báo

nguy cơ sụt đất

Ghi chú

1

 

Chưa phát hiện dấu hiệu liên quan tới sụt đất

2

 

Vùng cảnh báo mức độ thấp, vẫn cần cảnh giác

3

 

Vùng cảnh báo mức độ trung bình, cần kiểm tra định kỳ

4.1

 

Vùng cảnh báo mức độ cao, cần thường xuyên kiểm tra

4.2

 

Vùng cảnh báo mức độ rất cao, cần tăng cường kiểm tra


3. Đánh giá, kiểm chứng quy trình công nghệ phát hiện, quan trắc và cảnh báo sớm tai biến trượt lở, lũ quét-lũ bùn đá tại các khu vực thử nghiệm
Khu vực thử nghiệm đối với tai biến trượt lở, lũ quét – lũ bùn đá được tiến hành ở khu vực Nấm Dẩn, Xín Mần, Hà Giang và Mống Sến, Sapa, Lào Cai (hình 3)

3
Hình 3: Vị trí vùng nghiên cứu thử nghiệm quy trình phát hiện, cảnh báo sớm trượt lở, lũ quét – lũ bùn đá

Bản đồ nguy cơ trượt lở được xây dựng theo phương pháp AHP truyền thống từ 06 bản đồ thành phần: độ dốc địa hình, mật độ phân cắt ngang, mật độ phân cắt sâu, đặc điểm lineament, đặc điểm vỏ phong hóa,, sử dụng đất.
Đối với LQ-LBĐ, ngoài trượt lở, xét tới các yếu tố: chiều dài dòng, diện tích lưu vực, độ dốc lòng, điểm nghẽn dòng.
Trong vùng nghiên cứu Nấm Dẩn, đã nghiên cứu kết quả biến dạng bề mặt đất từ dữ liệu ra-đa giao thoa trạm mặt đất (TInSAR) khối trượt chợ Nấm Dẩn (thôn Tân Sơn). Kết quả chi tiết xem thêm bài báo của đề tài “Remote monitoring of natural slopes: Insights from the first Terrestrial InSAR campaign in Vietnam” DOI:10.4408/IJEGE.2020-01.O-05
Bằng phân tích chi tiết và thống kê tốc độ biến dạng nhỏ nhất các điểm ra-đa giao thoa (Persistent Scatterer-PS) có độ tin cậy cao trong phạm vi các khối trượt, cho phép phân loại các khối trượt trong khu vực nghiên cứu Nấm Dẩn – Xín Mần, theo đó đánh giá định lượng về tốc độ biến dạng bề mặt như sau:

Khoảng giá trị vận tốc biến dạng nhỏ nhất từ phương pháp radar giao thoa

Đánh giá khối trượt theo mức độ

< -25mm/năm

Yếu

-25  tới -35mm/năm

Trung bình

> -35mm/năm

Cao

Kết quả nghiên cứu với ra-đa giao thoa cùng với bản đồ nguy cơ trượt lở được sử dụng để xây dựng bản đồ cảnh báo trượt lở.
Cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở được tiến hành theo hai phương thức:
- Cảnh báo sớm nguy cơ trượt của khối trượt dựa trên diễn biến của giá trị biến dạng bề mặt địa hình theo thời gian bằng hàm thống kê (ví dụ với hình 4) và
- Lập bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở trên cơ sở tích hợp của hai bản đồ nguy cơ trượt lở và bản đồ biến dạng bề mặt (hình 5, 6)
Bản đồ cảnh báo nguy cơ LQ-LBĐ được xây dựng dựa trên việc tích hợp bản đồ nguy cơ lũ quét –lũ bùn đá cấp dòng, vị trí phía dưới các điểm nghẽn dòng và vị trí trong bồn thu nước có khối trượt bị cánh bảo trượt lở đất xảy ra cao (hình 7,8)


Hình 4
Hình 4: Khả năng dịch trượt tại khối trượt chợ Nấm Dẩn tính tới 31/12/2019 theo chuỗi giá trị PS điểm ID-ND. Thời điểm chụp ảnh cuối, cuối tháng 10/2019


Hình 5
Hình 5: Bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất khu vực Nấm Dẩn (thu nhỏ từ tỷ lệ 1:10.000)


Hình 6
Hình 6: Bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất khu vực Mống Sến (thu nhỏ từ tỷ lệ 1:10.000)


Hình 7
Hình 7: Bản đồ cảnh báo nguy cơ LQ-LBĐ khu vực Nấm Dẩn (thu nhỏ từ tỷ lệ 1:10.000)


Hình 8
Hình 8: Bản đồ cảnh báo nguy cơ LQ-LBĐ khu vực Mống Sến (thu nhỏ từ tỷ lệ 1:10.000)

Đánh giá quy trình, công nghệ thông qua triển khai thực tế tại các vùng thử nghiệm
Ưu điểm: Quy trình cho phép đảm bảo đầy đủ thông tin trong xây dựng bản đồ hiện trạng trượt lở trên cơ sở kết hợp công tác khảo sát thực địa và phát hiện các vùng dị thường biến dạng bề mặt địa hình; Phương pháp, công nghệ viễn thám thực hiện trong đề tài cho phép đánh giá định lượng theo diện và theo điểm các dịch chuyển bề mặt địa hình. Việc triển khai các phương pháp đo đạc chính xác không phải lúc nào cũng có thể triển khai, đặc biệt trên diện rộng. Phương pháp nghiên cứu có thể tích hợp tính toán tương quan với các phương pháp quan trắc ngoài hiện trường với khoảng thời gian nghiên cứu tương ứng.
Nhược điểm: Quy trình có các nhược điểm của viễn thám ra-đa như bóng đổ làm mất thông tin. Không thể phát hiện, quan trắc các khối trượt có hướng dịch trượt vuông góc với tia tới ra-đa. Triển khai quét laze 3D quan trắc dịch chuyển sườn khối trượt đòi hỏi có các mốc cố định và các mốc trên bề mặt địa hình. Việc duy trì các mốc này không bị xâm hại trong suốt thời gian quan trắc ở Việt Nam là không hề dễ dàng.
4. Đánh giá, kiểm chứng quy trình công nghệ phát hiện, quan trắc và cảnh báo sớm tai biến sụt đất tại các khu vực thử nghiệm
Khu vực nghiên cứu thử nghiệm đối với tai biến sụt đất gồm 2 vùng: 1. thị trấn Bằng Lũng và xã Ngọc Phái thuộc huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn; 2. thuộc khu vực ven biển thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh.

9
Hình 9: Vùng thử nghiệm đối với tai biến sụt đất

Đối với vùng Bằng Lũng: Từ năm 2011 cho tới 2019 xuất hiện hiện tượng sụt lún đất ở nhiều nơi trên địa bàn thị trấn bằng Lũng và các xã lân cận. Trong đó vào năm 2016-2019 đã xảy ra rầm rộ với quy mô khá lớn trên địa bàn trung tâm xã Ngọc Phái, bản Nà Tùm, Cốc Thử và Bản Tàn.
Thông qua các phương pháp nghiên cứu địa chất truyền thống, đã chứng minh nguyên nhân sụt đất tại Bằng Lũng có liên quan tới hạ thấp mực nước dưới đất do kháo thô mỏ, lớp sét pha lẫn sạn sỏi thuận lợi cho qúa trình xói ngầm (có tính toán định lượng) và sự phát triển của không gian ngầm karst.
Phân vùng nguy cơ sụt đất được xây dựng trên cơ sở đánh giá vai trò và mức độ tác động của một số nguyên nhân chính như sau: 1- Đặc điểm phân bố karst; 2- Đặc điểm địa chất thạch học; 3- Đặc điểm địa chất thủy văn và địa chất công trình; 4- Hoạt động nhân sinh. (hình 10a)
Kết quả phân tích ra-đa giao thoa vệ tinh đã chỉ ra 03 vùng lún bề mặt đất có liên quan tới sụt đất trong khu vực nghiên cứu. Đối với khu vực bề mặt trũng thung lũng Bằng Lũng, các điểm DS (Distributed Scatterers) từ ra-đa giao thoa vệ tinh không cho thấy mối liên hệ rõ ràng với tai biến sụt đất xảy ra tại địa hình bề mặt trũng.
Bản đồ cảnh báo sớm nguy cơ sụt đất được xây dựng theo giá trị biến dạng địa hình từ ra-đa giao thoa tích hợp với bản đồ phân vùng nguy cơ sụt đất (hình 10b)

10
Hình 10: Bản đồ phân vùng nguy cơ sụt đất và bản đồ cảnh báo nguy cơ sụt đất khu vực Bằng Lũng.

Đối với vùng Cẩm Sơn, Cẩm Phả: Tổng hợp các nguồn dữ liệu, đã ghi nhận 57 vị trí sụt đât khác nhau từ trước 2010 cho tới tháng 4/2021 thuộc vùng nghiên cứu. Yếu tố ảnh hưởng, nguyên nhân sụt đất (có kế thừa từ các nghiên cứu trước) gồm không gian ngầm karst và cấu trúc địa chất, lớp đất “Lớp sét pha mầu xám vàng lẫn sạn sỏi” nằm trên lớp đá gốc (đá carbonat) thuận lợi cho xói ngầm, dao động mực nưới dưới đất. Kết quả phân vùng nguy cơ sụt đất có kế thừa từ đề tài ĐXPS 105/ĐXPS.01/2014 và được bổ sung, hiệu chỉnh thêm số liệu từ đề tài.
Biến đổi giá trị biến dạng bề mặt địa hình từ ra-đa giao thoa được nghiên cứu chi tiết với một số hố sụt. Với hố sụt tại Cẩm Tây (hình 11), kết quả ra-đa giao thoa đã chỉ ra thời điểm xuất hiện hố sụt đã có từ đầu tháng 6/2018, trước khi người dân phát hiện hố sụt vào tháng 10/2018.
Các số liệu địa vật lý kiểm chứng giữa kết quả biến dạng địa hình với kết quả địa vật lý, cho thấy đủ cơ sở khoa học để căn cứ vào dị thường biến dạng địa hình từ ra-đa giao thoa để cảnh báo nguy cơ sụt đất trên cơ sở đối sánh với cấu trúc địa chất thuận lợi cho sụt đất.
Bản đồ cảnh báo nguy cơ sụt đất được xây dựng trên cơ sở tích hợp kết quả phân vùng nguy cơ sụt đất (khu vực có tiềm năng sụt đất) theo các tài liệu địa chất và kết quả biến dạng bề mặt địa hình từ ra-đa giao thoa (hình 12)

Hình 11
Hình 11: Biến thiên giá trị biến dạng địa hình tại các điểm PS xung quanh hố sụt Cẩm Tây ngày 6/10/2018


Hình 12
Hình 12: Bản đồ cảnh báo nguy cơ sụt đất khu vực Cẩm Sơn, Cẩm Phả, Quảng Ninh (thu nhỏ từ tỷ lệ 1:10.000)

Đánh giá quy trình, công nghệ thông qua triển khai thực tế tại các vùng thử nghiệm về sụt đất:
Đã phát hiện và phát hiện sớm các hố sụt có biểu hiện biến dạng bề mặt đất bằng phương pháp quy trình đề xuất của đề tài. Đối với khu vực Cẩm Phả: Công nghệ viễn thám ra-đa phát huy được lợi thế do có nhiều địa vật phản xạ tia ra-đa tốt. Các phát hiện sụt đất có tỷ lệ cao.Đối với vùng Bằng Lũng: các hố sụt phát triển trên bề mặt thung lũng, nơi canh tác trồng lúa nên mặc dù có các điểm ra-đa giao thoa nhưng độ tin cậy không cao. Mặc dù vậy, quy trình đã phát hiện được các khu vực lún bề mặt đất có liên quan tới sụt đất. Việc tổ hợp các phương pháp nghiên cứu truyền thống, công nghệ viễn thám đã hỗ trợ rất hiệu quả trong nghiên cứu.
Cốt lõi của công nghệ viễn thám trong quy trình, phương pháp cảnh báo sớm tai biến là công nghệ xử lý ra-đa. Do vậy, các hạn chế sẽ mang nhiều đặc điểm hạn chế của công nghệ ra-đa bên cạnh những ưu việt đã nêu trên. Đối với các vụ sụt đất ít có các biểu hiện trên mặt, kể từ khi không gian ngầm đủ lớn cho tới khi sập sut hoàn toàn trong thời gian ngắn phương pháp, quy trình này khó phát hiện sớm.
Phương pháp quy trình đòi hỏi người vận hành, xử lý phải được đào tạo kỹ lưỡng. Do vậy, chưa thể sử dụng rộng rãi ở các ngành, các cấp trong thời gian ngắn.
5. Đề xuất giải pháp cảnh báo sớm các tai biến sụt đất, trượt-lở, lũ quét- lũ bùn đá
Theo Fathani et al., 2016, hệ thống cảnh báo sớm chuẩn toàn cầu (universal standard) bao gồm 07 phụ hệ thống. Trong số đó phụ hệ thống quan trắc và cảnh báo được xem như là trung tâm của hệ thống cảnh báo sớm. Trong khuôn khổ đề tài Công nghệ vũ trụ, chúng tôi giới hạn đề xuất giải pháp cảnh báo sớm tai biến trong khuôn khổ hợp phần Quan trắc tai biến và cảnh báo sớm (hình …)

Hình 13
Hình 13: Chi tiết hợp phần Quan trắc tai biến và cảnh báo sớm đa thiên tai trượt lở, lũ quét-lũ bùn đá, sụt đất sử dụng công nghệ viễn thám và thông tin khác

Để có đủ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phân tích dữ liệu và ra quyết định cảnh báo sớm, cần thiết phải có bộ dữ liệu với tỷ lệ tương ứng (ví dụ 1:10.000 ) về địa chất, địa mạo, để thành lâp được bản đồ phân vùng nguy cơ tai biến với tỷ lệ phù hợp. Không một hợp phần kỹ thuật nào có thể tách rời sự tham gia, phối hợp của chính quyền và nhân dân địa phương phù hợp với quy mô của hệ thống. Tuy nhiên do khuôn khổ của đề tài, nội dung sự tham gia của người dân chưa được đề cập chi tiết.

6. Bài báo và sách chuyên khảo đã công bố
6.1. Bài báo trên các tạp chí quốc tế trong hệ thống ISI/Scopus:
1. Quoc Cuong Tran; Duc Do Minh; Abolfazl Jaafari; Nadhir Al-Ansari; Duc Dao Minh; DucTung Van, Duc Anh Nguyen; Trung Hieu Tran; et al., 2020. Novel Ensemble Landslide Predictive Models Based on the Hyperpipes Algorithm: A Case Study in the Nam Dam Commune, Vietnam. Appl. Sci., Volume 10, Issue 11, 3710, https://doi.org/10.3390/app10113710 (SCI-E)
2. Saverio Romeo; Quoc Cuong Tran; Gaindomenico Mastrantoni; Duc Do Minh; Duc Dao Minh; Huy Thang Nguyen; Duc Anh Nguyen; PaoloMazzanti, 2020. Remote monitoring of natural slopes: Insights from the first Terrestrial InSAR Campaign in Vietnam. Italian Journal of Engineering Geology and Environment (IJEGE), vol 1, 2020 ISSN 2035-5688 (on-line)
ISSN 1825-6635 (print), DOI: 10.4408/IJEGE.2020-01.O-05 ,(SCOPUS)
3. Nguyen Van Hoang, Tran Quoc Cuong, Geological affecting factors and mechanism of sinkhole development in Cho Don zinc-lead mining area, Bac Kan province, North of Vietnam. Russian Journal of Earth Sciences (RJES). (Scopus). Đã được chấp nhận đăng. Chưa online.
6.2. Các bài báo khoa học trên tạp chí trong nước
1. Bùi Văn Thơm, Trần Quốc Cường, Lại Hợp Phòng, Trần Trung Hiếu, Nguyễn Đức Anh. CẤU TRÚC KIẾN TẠO VÀ MỐI LIÊN QUAN ĐẾN TAI BIẾN SỤT ĐẤT KHU VỰC BẰNG LŨNG, CHỢ ĐỒN, TỈNH BẮC KẠN. Tạp chí Các Khoa học Trái đất và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đã được chấp nhận đăng. Chưa online
6.3. Các báo cáo khoa học tham gia Hội nghị Khoa học trong nước và quốc tế
1. Dao Minh Duc, Tran Quoc Cuong, Do Minh Duc, Dang Thi Thuy, 2018. Analysis of pore water pressure and slope displacement by historical rain series in Xin Man district, Ha Giang province, Vietnam. Proceedings of the 4th International conference Vietgeo 2018, ISBN 978-604-67-1141-4
2. Trần Trung Hiếu, Trần Quốc Cường, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Đức Anh, Bùi Phương Thảo, 2020. Đánh giá tính tổn thương do trượt lở đất bằng công cụ GIS - Nghiên cứu thí điểm tại khu vực Nấm Dẩn, Xín Mần, Hà Giang. Tuyển tập báo cáo khoa học hội nghị Các khoa học về Trái Đất và Phát triển bền vững 2020 do VAST tổ chức. ISBN 978-604-9958-01-0
7. Kết quả tham gia đào tạo
7.1. Tiến sĩ (hỗ trợ đào tạo)
1. Đào Minh Đức, đề tài luận án: “Nghiên cứu đặc điểm hình thành vả phát triển một số khối trượt lớn ở khu vực miền núi phía Bắc (lấy ví dụ tại huyện Xín mần, tỉnh Hà Giang”, ngành Địa chất học, mã số 62 44 02 01 (Hướng dẫn chính là thư ký khoa học của đề tài; nghiên cứu sinh là thành viên chính của đề tài; đã bảo vệ các chuyên đề).
7.2. Thạc sĩ
1. Nguyễn Huy Thắng, đề tài luận văn “Ứng dụng dữ liệu vệ tinh ra đa, viễn thám quang học và GIS trong nghiên cứu trượt lở. Lấy thí dụ vùng Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang”, chuyên ngành Bản đồ viễn thám hệ thông tin địa lý, mã số 8440211.01. (Hướng dẫn chính là Chủ nhiệm đề tài; Học viên cao học là thành viên chính của đề tài; đã có Quyết định giao luận văn).
8. Tình hình chuyển giao kết quả đề tài
Đang xúc tiến chuyển giao với các địa phương vùng thử nghiệm; Tổng cục Phòng, chống và thiên tai.
9. Kết quả của đề tài được lưu trữ tại
- Thư viện Viện Địa chất, ngõ 84 phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội
- Văn phòng Chương trình KHCN Vũ trụ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam
- Cục thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia